Học thực chất để làm chủ tay lái

- Thời gian gần đây, dư luận lên án nhiều hành vi vi phạm an toàn giao thông khi tham gia giao thông trên đường cao tốc. Một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên đường cao tốc mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là từ ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng, kinh nghiệm xử lý tình huống của người tham gia giao thông còn hạn chế. Do đó, đòi hỏi ngay từ khi học lái xe, người học phải có ý thức học thực chất để nắm vững luật và các kỹ năng xử lý tình huống trên thực tế.

Thực hiện Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, từ năm 2023 việc học và thi bằng lái xe ô tô các hạng đã có những quy định mới được áp dụng. Việc quản lý, giám sát quá trình học lái xe của học viên được chặt chẽ hơn nhờ các thiết bị giám sát. Học viên phải học thêm môn học lái xe ô tô trên cabin mô phỏng đủ 3 giờ/khóa học (đối với hạng B1, B2 và C). Môn học trên cabin mô phỏng, học viên sẽ phải học đủ 8 bài học trang bị kỹ năng vận hành xe, lái xe trên đường đồi núi, đường cao tốc, đô thị, bến tàu, phà, đường lầy, đường ngập nước, đường sương mù. Bên cạnh đó, học viên cũng phải học đủ 90 giờ đối với môn pháp luật giao thông đường bộ. Thời gian thực hành trên sân tập lái giảm nhưng tăng thời gian thực hành lái xe trên đường giao thông. Tổng số km thực hành/1 học viên đối với hạng B1 (số tự động) là 1.000km, trong đó số km thực hành lái xe trên sân tập lái là 290km, số km thực hành trên đường giao thông là 710km; đối với B1 (hạng cơ khí) và B2 là 1.100km, trong đó số km thực hành trên sân tập lái là 290km, số km thực hành trên đường giao thông là 810km, đối với hạng C là 1.100km, trong đó số km thực hành lái xe trên sân tập là 275km, số km thực hành trên đường giao thông là 825km.

Học viên học lái xe trên cabin điện tử mô phỏng các tình huống lái xe ô tô hạng B2.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, việc triển khai Thông tư số 04 đã được các Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe triển khai thực hiện đầy đủ. Đồng chí Đinh Việt Cường, Trưởng phòng Đào tạo, Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang cho biết, hiện nay, Trung tâm đang đào tạo lái xe ô tô các hạng theo đúng giáo trình của Bộ Giao thông - Vận tải. Ý thức của người học ngay từ khi được đào tạo lái xe cũng quyết định ý thức khi tham gia giao thông. Việc nắm được luật, nhớ luật đã khó nhưng việc nắm các kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông thực tế lại càng khó hơn. Bởi khi tham gia giao thông thực tế có rất nhiều tình huống mà khi học không thể nói hết. Do đó, đòi hỏi người học phải học một cách thực chất, không phải học mẹo cốt để qua kỳ thi sát hạch.

Theo anh Lương Hồng Cường, giáo viên môn Pháp luật giao thông đường bộ, Trung tâm đào tạo lái xe của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ, trong chương trình giảng dạy rất chú trọng đào tạo, trang bị kiến thức về pháp luật cho người học. Người tham gia giao thông một cách an toàn thì trong quá trình học, phải nắm vững luật, bao gồm hệ thống các biển báo hiệu, quy tắc, hiệu lệnh điều khiển giao thông, khoảng cách, tốc độ…

Anh Đặng Long Nhật, phố Hàm Nghi, TP Hà Nội chọn một Trung tâm đào tạo lái xe ở Tuyên Quang để học và thi. Hiện anh Nhật đã hoàn thành khóa học và đang chuẩn bị cho kỳ thi sát hạch, anh Nhật cho biết: “Tôi thấy chương trình đào tạo lái xe B2 mà tôi đã được đào tạo ở Tuyên Quang rất chặt chẽ, nghiêm túc. Tôi đã cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia khóa học đầy đủ theo quy định. Sau khi được lấy bằng, tôi hoàn toàn tự tin để lái xe trên mọi loại đường giao thông”.

Học thực hành lái xe trên sa hình tại Trung tâm đào tạo lái xe của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.

Trên thực tế cũng có không ít học viên dù đã được lấy cấp bằng đủ điều kiện lái xe ô tô nhưng chưa thực sự tự tin điều khiển ô tô. Chị Nguyễn Thị An, xã Tân Long (Yên Sơn) đã được cấp bằng lái xe ô tô hạng B2 từ cuối năm 2022 nhưng đến nay chị An vẫn chưa tự tin để lái xe. Chị Nguyễn Thị Hoa, tổ 6, phường An Tường (TP Tuyên Quang) vừa được cấp bằng lái xe ô tô hạng B2 mới đây cho biết, chị chưa dám lái xe đi xa hoặc đi ra ngoại tỉnh. Nếu có đi, chị rất cần một người lái cứng ngồi bên cạnh để hỗ trợ và hướng dẫn. Chị Hoa cho rằng, chương trình đào tạo lái xe ô tô các hạng hiện nay đã đổi mới, chặt chẽ hơn song cần chú trọng đến trang bị các kỹ năng thực hành thực tế cho học viên như, trong phần thực hành trên đường giao thông cần hướng dẫn kỹ năng cho học viên đi vào các cung đường khó, khúc cua, đường nhỏ hẹp thay vì chỉ hướng dẫn đi đường thẳng, đường vắng người để học viên được tiếp xúc, rèn kỹ năng xử lý tình huống trong nhiều trường hợp khác nhau. Chị Hoa cũng đề xuất cần phải hướng dẫn thêm cho học viên kỹ năng lùi chuồng, ghép xe ở ngoài thực tế thay vì chỉ hướng dẫn kỹ năng lùi, ghép xe trong sa hình như hiện nay.

Anh Lý Văn Huynh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) vừa được cấp bằng lái xe ô tô hạng B2 mới đây cho rằng, chương trình dạy lái xe hiện nay đã chú trọng dạy kỹ năng điều khiển, kỹ năng xử lý nhiều hơn là kỹ thuật. Anh Huynh cũng cho rằng, các giáo viên dạy lái xe hiện nay cần nâng cao kỹ năng hiểu biết khi tham gia giao thông cho học viên bằng việc truyền đạt kinh nghiệm khi tham gia giao thông trên các loại đường. Đồng thời cần tăng cường giải thích, phân tích, lý giải các tình huống trong phần học lý thuyết để học viên hiểu được luật, các quy tắc khi tham gia giao thông như thế nào là đúng, là sai.

Học thực hành lái xe trên sa hình tại Trung tâm dạy nghề và đào tạo lái xe Tâm Anh.

Cũng theo ý kiến của nhiều giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm dạy nghề và đào tạo lái xe Tâm Anh, không ít người vẫn cho rằng, dù lái xe giỏi, nắm vững luật cũng không lường hết được các tình huống bất trắc trên đường. Tuy nhiên, nếu người lái xe biết cách xử lý tình huống sẽ hạn chế thấp nhất tai nạn hoặc thiệt hại. Để lái xe an toàn, người lái xe cần phải có ý thức học tập nghiêm túc ngay từ khi học luật cho tới khi học thực hành và phải xác định học thực chất để đảm bảo an toàn cho chính mình chứ không phải học chỉ để qua trong kỳ thi sát hạch.

Học thực chất chính là cách duy nhất để người lái xe chủ động lái xe an toàn, tham gia giao thông một cách tự tin trên mọi cung đường và chỉ khi học thực chất thì người điều khiển phương tiện giao thông mới nhận thức đầy đủ những tác hại nếu thiếu ý thức và thiếu kiến thức, kỹ năng khi tham gia giao thông.


Chấp hành nghiêm quy định về biển báo

Anh Nguyễn Quang Huy

Phụ trách Trung tâm quản lý vận hành khai thác đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Công ty cổ phần quản lý và đầu tư xây dựng công trình giao thông 238

Tuyến đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chỉ dành riêng cho ô tô lưu thông. Tại các lối vào đã được cơ quan chức năng lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn, biển báo cấm xe máy, xe mô tô, người đi bộ...Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng xe máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc. Nguyên nhân là do một số người điều khiển xe máy, xe mô tô sử dụng bản đồ, nhưng chọn sai chế độ nên dẫn vào đường cao tốc. Thêm vào đó, một số người tham gia giao thông không quan sát kỹ biển báo, không hiểu ý nghĩa các biển báo nên không biết đó là đường cao tốc. Mặc dù đơn vị đã cử cán bộ trực chốt 24/24 tại đầu vào tuyến cao tốc, tuy nhiên do nhiều người đi xe máy với tốc độ cao nên vẫn vượt trạm để đi vào. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Từ thực tế đó, tôi cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có giải pháp trong đào tạo kiến thức, kỹ năng lái xe, chấp hành pháp luật giao thông trên đường cao tốc cho người học lái xe, để người tham gia giao thông hiểu rõ được quy định, chấp hành tốt quy định an toàn giao thông.


Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Thiếu tá Phạm Văn Tuấn

Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Tuyên Quang

Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông đã, đang tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn giúp lái xe nắm rõ, chấp hành nghiêm quy định, bảo đảm an toàn giao thông khi lưu thông trên các tuyến đường, đặc biệt là đường cao tốc. Trong đó, người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Khi lưu thông trên đường cao tốc, lái xe cần chú ý, hiểu rõ các biển báo, vạch kẻ đường... để biết lối vào, ra, nút giao, tránh đi nhầm đường, khi đã đi “lạc” vào cao tốc, cần đi tiếp để tìm lối ra, tuyệt đối không quay đầu, đi lùi. Các lái xe phải tuân thủ cho xe chạy đúng quy định về tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, dừng, đỗ đúng nơi quy định… Cùng với đó, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) để xác minh, điều tra xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông và xử lý tai nạn trên các tuyến cao tốc.


Xe mô tô, xe thô sơ, người đi bộ không được đi vào đường cao tốc

Luật sư Vũ Trung Kiên

Giám đốc Công ty Luật Vũ Kiên, Tuyên Quang

Thực tế trên tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ trước đây có tình trạng người đi bộ, xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc. Theo Khoản 4, Điều 26 Luật Giao thông đường bộ 2008, người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Tại điểm b, Khoản 6, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe tương tự xe gắn máy đi vào đường cao tốc; phạt từ 400 - 600 nghìn đồng đối với người điều khiển xe đạp đi vào đường cao tốc… Trong một số trường hợp, nếu điều khiển xe đi trên đường cao tốc mà xảy ra tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng, người điều khiển phương tiện có thể bị xử lý hình sự.


Tăng cường ghi hình, phạt nguội

Ông Đặng Văn Dũng

Thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa)

Qua theo dõi các phương tiện thông tin, đại chúng, tôi được biết, hơn 90% số vụ tai nạn giao thông là do ý thức của người điều khiển phương tiện. Một trong số những nguyên nhân đó là người tham gia giao thông trên cao tốc chưa tuân thủ các quy định chặt chẽ. Những hành vi này không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tham gia giao thông đi đúng luật, mà đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc thời gian qua trên cả nước. Tôi cho rằng, để tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, đề nghị các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên cao tốc, cung cấp dữ liệu cho lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý nghiêm; tăng cường ghi hình, phạt nguội phương tiện vi phạm trên cao tốc. Đồng thời, cần phải tăng mức xử phạt, phạt tiền và hình thức xử phạt bổ sung, tước giấy phép lái xe theo thời hạn từ 12 - 24 tháng; thậm chí những lỗi cố tình vi phạm, có thể tước giấy phép vĩnh viễn.


Nâng cao ý thức khi tham gia giao thông 

Lái xe Trần Văn Quang

Thôn 16, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang)

Tại tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ được đưa vào sử dụng vừa qua, tình trạng không tuân thủ theo quy định, biển báo vẫn xảy ra. Có hôm tôi lưu thông trên đường mặc dù đã đi tốc độ tối đa cho phép là 90 km/giờ nhưng vẫn thấy có những xe khác vượt qua ầm ầm, trước đó vẫn có cảnh người dân đi bộ, xe máy đi vào đường cao tốc… Đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm những vi phạm tránh những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Cùng với đó, để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, mỗi lái xe, người dân phải luôn nêu cao ý thức chấp hành các quy định, hãy chú ý đến các biển báo, cảnh báo, tuyệt đối không được vi phạm. Bởi khi lưu thông với tốc độ lớn khi xảy ra va chạm thì hậu quả thật khôn lường. Việc nắm rõ các biển báo giao thông, hiểu ý nghĩa các biển báo sẽ giúp người tham gia giao thông chấp hành đúng luật, hướng đến bảo vệ an toàn cho bản thân và người khác. 

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục